1. Giám định thương mại là gì?
Giám định là hoạt động tiến hành kiểm tra hàng hóa, quy trình hoặc dịch vụ có phù hợp hoặc đúng với yêu cầu của hợp đồng hay phù hợp với tiêu chuẩn hoặc quy định nào đó hay không. Giám định là hoạt động của bên thứ 3 sẽ đánh giá theo đúng tình trạng thực tế của sản phẩm, quy trình, dịch vụ theo yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc khách hàng.
Giám định thông thường sẽ tiến hành kiểm tra một số nội dung như số lượng, chất lượng, bao bì đóng gói, xuất xứ, độ an toàn, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, tiêu chuẩn kỹ thuật, phòng dịch, tình trạng của hàng hóa (tổn thất)...
Giám định thương mại yêu cầu khắt khe về trình độ chuyên môn và kỹ năng của chuyên gia giám định cũng như phải có cơ sở trang thiết bị phù hợp để hoạt động được tiến hành chính xác, chuyên nghiệp hơn.
2. Tại sao cần giám định thương mại?
Giám định thương mại là yếu tố quan trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho chính doanh nghiệp hoặc khách hàng cùng các bên liên quan. Quá trình giám định sẽ giúp các bên tránh được những mâu thuẫn xung đột không đáng có vì chất lượng, số lượng hàng hóa hay tiêu chuẩn dịch vụ.
Khách hàng có thể thông qua giám định để thực hiện các hình thức khiếu nại để được đền bù tổn thất.
Với doanh nghiệp, giám định giúp kiểm soát chất lượng và số lượng hàng hóa được giao theo đúng tiêu chuẩn, quy cách đóng gói như yêu cầu của khách hàng.
Với bên vận chuyển, giám định đảm bảo chất lượng, số lượng hàng hóa sau khi đã đóng gói và bốc xếp đặt vào phương tiện vận chuyển cùng các hoạt động bảo quản, xếp kho đảm bảo hàng vận chuyển an toàn đến khách hàng.
3. Giám định thương mại thực hiện như thế nào?
Giám định thương mại gồm có 04 bước như sau:
- Bước 1: Tiếp nhận giám định (Giám định viên nhận yêu cầu và xác định tính chất, loại tổn thất).
- Bước 2: Thực hiện giám định (Giám định viên phối hợp với các bên liên quan để thu thập và điều tra chứng cứ).
- Bước 3: Lập biên bản giám định và hồ sơ giám định.
- Bước 4: Thông báo kết quả, ban hành chứng thư giám định.
Giám định thương mại sẽ gồm có một số hình thức:
- Tại nơi sản xuất (nguyên liệu đầu vào, sản xuất ban đầu, quá trình sản xuất, hoàn thành sản phẩm).
- Tại cảng xếp (giám sát xếp hàng, đảm bảo số lượng, quy cách, tình trạng hàng hóa).
- Tại cảng dỡ (giám định tình trạng hàng hóa, bao bì, tổn thất, bốc xếp hàng, kiểm tra chuyên ngành).
- Tại nhà máy/công trình (hàng hóa, vật liệu xây dựng, bao bì, xuất xứ).
Các dịch vụ giám định:
- Giám định tổn thất hàng hóa;
- Giám định chất lượng hàng hóa/dịch vụ;
- Giám định quy trình;
- Giám định số lượng;
- Giám định hàng hóa nhập khẩu.
4. Lợi ích của giám định thương mại
- Kiểm soát và đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa theo đúng yêu cầu của khách hàng hoặc các bên liên quan.
- Đảm bảo hàng hóa đáp ứng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Đảm bảo việc đóng gói, dán nhãn, bảo quản, vận chuyển hàng hóa tuân thủ theo những tiêu chuẩn bắt buộc.
- Giảm chi phí, rủi ro sản phẩm lỗi cho doanh nghiệp.
- Đáp ứng yêu cầu kiểm tra chuyên ngành, thủ tục thông quan hàng hóa.
- Là hồ sơ quan trọng cho việc thanh toán hợp đồng.
5. Thủ tục yêu cầu giám định
Doanh nghiệp có nhu cầu giám định cần chuẩn bị một số các giấy tờ yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan, giấy tờ chứng minh đến đơn vị giám định, gồm có:
- Giấy đăng ký dịch vụ giám định
- Hợp đồng
- Hóa đơn
- Vận đơn
- Packing List
- Manifist
- CO, CA, CQ, tài liệu sản phẩm, mẫu liên quan (nếu có)
Hỏi và đáp (0 bình luận)